Đến với Cao Bằng, du khách đều cảm nhận đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng có tấm lòng chân thành, cởi mở và vô cùng hiếu khách, nhưng du khách cũng cần biết một vài phong tục, tập quán để tránh các điều kiêng kị khi đến thăm làng bản, nhà đồng bào các dân tộc.
Người Tày
Người Tày ở Cao Bằng chiếm 41.0% dân số toàn tỉnh, chiếm 25.2% dân số người Tày tại Việt Nam do đó bạn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đến Cao Bằng bạn gặp đa số là người Tày. Người Tày mến khách, cởi mở, họ rất trọng người cùng tuổi, khi đã kết nghĩa bạn bè thì coi nhau nhanh em ruột thịt, bà con thân thích của mình.
– Khi vào nhà du khách cần quan sát kỹ nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
– Trong nhà bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính, có nơi đặt ở đầu hồi. Khách cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng, không sờ tay lên các đồ thờ cúng. Khi ngồi không quay lưng vào nơi linh thiêng ấy, nhất là nữ giới.
– Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa). Kiêng việc to tiếng cãi lộn bên bếp lửa
Người Nùng
Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng phi hang chàn (ma gầm sàn). Người lạ không đến gần ống hương ấy.
Người Mông
– Trong dịp Tết Nguyên Đán người Mông kiêng cầm dao, kéo giết, mổ gia súc. Mọi người quan niệm rằng nếu không kiêng kỵ như vậy thì sẽ có nhiều điều chẳng lành, không may xảy ra đối với gia đình mình.
Người Dao
– Người Dao thường mời thầy cúng khấn vái trời đất, ông bà, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở…. Đây là nghi lễ quan trọng. Trong thời gian làm lễ (một ngày một đêm) kiêng không cho người ngoài vào nhà.